Những lời đồn đại về Tam giác quỷ Bermuda – một vùng nước rộng khoảng 1,300,000km2 nằm giữa Miami, Puerto Rico và đảo Bermuda – đã không còn xa lạ với đại chúng khi khu vực này được xem là “nghĩa địa máy bay và tàu biển” và tồn tại một thế lực huyền bí nào đó khiến tai nạn liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, liệu có hay không những ma lực đó, hay chỉ là một sự bịa đặt không hơn không kém?
Cụm từ “tam giác quỷ” và khu vực định hình nên nó bắt nguồn từ khoảng cuối thập niên 1950 – đầu 1960 khi một số nhà báo đăng tải những sự kiện mất tích bí ẩn, trong đó có chuyến bay số 19 của Hải quân Mỹ. Từ đó cho đến ít nhất là năm 1974, có thêm nhiều bài viết nhấn mạnh những sự khác thường này ở vùng tam giác Bermuda, không quên giải thích hoặc ghi chép thêm những nghi hoặc về các hiện tượng siêu nhiên được vạch ra trước đó. Nổi tiếng nhất có thể kể đến cuốn sách “The Bermuda Triangle” của tác giả Charles Berlitz khi ông còn liên kết thành phố Atlantis bí ẩn với khu vực này. Cuốn sách bán chạy toàn cầu và xuất hiện trên khắp sóng truyền hình, tạp chí, mặt báo và internet sau này, góp phần lan rộng sự bí ẩn đến khán giả thế giới.

Tam giác quỷ Bermuda khiến nhiều thế hệ kinh sợ vì những câu chuyện bí ẩn xung quanh nó
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nhanh chóng nhận ra được nhiều lỗ hổng đằng sau những câu chuyện nêu trên và khẳng định Tam giác Bermuda chỉ là một vùng biển bình thường hoàn toàn bình thường. Thậm chí nó còn không nằm trong top những tuyến đường biển nguy hiểm nhất thế giới, theo nghiên cứu từ Đại học Southampton năm 2013 (mà biển Đông thì có nha ). Larry Kusche kết luận trong cuốn sách “The Bermuda Triangle Mystery: Solved” năm 1975 của ông như sau:
– Lượng máy bay và tàu được phát hiện biến mất (một cách hợp lý, nghĩa là được báo cáo với truyền thông địa phương và có ghi chép lại) ở đây cũng tương tự như những khu vực khác trên thế giới
– Đây là vùng thường xuyên xuất hiện bão lớn, nên việc gặp tai nạn là chuyện có thể xảy ra chứ không hề bí ẩn
– Trong sách của Charles Berlitz đã không đề cập đến việc các phương tiện gặp nạn trong điều kiện thời tiết như thế nào
– Số lượng bị làm lố, chỉ báo cáo mất tích nhưng có được tìm thấy sau đó hay không thì không nói
– Một số vụ thì được thêu dệt lên, ví dụ một vụ rơi máy bay gần biển Daytona năm 1937 nhưng báo chí địa phương không hề báo cáo bất kì thông tin gì liên quan
Taves (1978) và Singer (1979) cùng kết luận rằng những câu chuyện thêu dệt và mang tính bí ẩn, không có lời giải thường mang tính lan truyền rộng và lợi nhuận cao. Đó là lý do mà có rất nhiều chương trình/sách làm về đề tài này. Nhà sản xuất biết những thông tin đó là giả nhưng vẫn cố tình sản xuất vì nó mang lại lợi nhuận.
.gif?table=block&id=714cc742-9c59-444b-8000-d34f2116a7b1&spaceId=9263f2f1-9496-414c-8926-44276cf0ed24&userId=607f3b30-1189-41c3-bdf1-b51238b56355&cache=v2)
Top 10 cung đường biển nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Nghiên cứu của ĐH Southampton, Anh
Có những trường hợp phương tiện biến mất thật sự trên vùng biển này, nhưng tất cả đều có thể giải thích được. Chẳng hạn như chuyến bay 19 của Hải quân Mỹ biến mất năm 1945. Tiến sĩ Simon Boxall từ ĐH Southampton, Anh đưa ra lời giải thích: “Đó là một chuyến bay luyện tập, ekip bay hầu như chưa có kinh nghiệm nhiều. Hơn nữa thời đó thì định hướng bay chỉ bằng mắt thường, nên khả năng rơi vào vùng nhiễu động khiến tai nạn là rất dễ xảy ra”. Đó là vụ án máy bay mất tích duy nhất được ghi chép tại khu vực này.
Vậy bạn còn tin vào những điều bí ẩn của tam giác Bermuda không?