Có bao nhiêu quốc gia trên thế giới? Câu trả lời được chấp nhận rộng rãi nhất là 195, chính là 195 thành viên của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, con số đó có thể lên đến hơn 200, tùy thuộc vào định nghĩa cụm từ “quốc gia” ở một số nơi nhất định, bao gồm cả những quốc gia đang ở trạng thái de facto, nghĩa là họ có chính phủ riêng điều hành toàn bộ lãnh thổ mà họ khẳng định nhưng chưa được hoàn toàn công nhận cũng như các quốc gia tự xưng (self-declared).
Trong tiếng Anh, chúng ta thường sử dụng country/nation/state thay cho nhau để chỉ một quốc gia, nhưng giữa chúng hoàn toàn có sự khác biệt khá rõ ràng đó!
Định nghĩa của cụm từ “Quốc gia”

195 là con số chính xác nhất khi nói về các quốc gia có chủ quyền.
Ảnh: Nations Online Project
Quốc gia (country) được định nghĩa là một lãnh thổ có chính quyền quản lý, con người thuộc các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ đó được gắn kết với nhau bằng các khía cạnh hữu hình và vô hình như luật pháp, quyền và nghĩa vụ, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua tiến trình lịch sử lập quốc. Họ chấp nhận những điều đó và chịu sự điều hành của chính quyền, cùng nhau xây dựng cuộc sống và tương lai chung trên vùng lãnh thổ đó.
Một quốc gia được công nhận đầy đủ mang cả hai trạng thái de jure (tồn tại trên luật pháp) và de facto (tồn tại trên thực tế). Khi đó, họ sẽ có khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao, ký kết hiệp ước/hiệp định với những quốc gia khác và sẽ được coi là một quốc gia có chủ quyền (sovereign state). Tuy nhiên, một số quốc gia lại không có hoặc bị hạn chế các chức năng kể trên do chưa được công nhận hoàn toàn như Bắc Síp, Abkhazia hay Kosovo (partially-recognised states).
Có những quốc gia lại là một phần của một thực thể chính trị lớn hơn, ví dụ như Wales, England, Scotland và Bắc Ireland. Họ hoàn toàn có đủ tư cách để được gọi là một quốc gia, nhưng trên thực tế chỉ là một phần của Vương quốc Anh, do đó tồn tại cụm từ constituent state (quốc gia cấu thành). Giống như ở Nga, 21/85 chủ thể liên bang của nước này là những nước cộng hòa (republics) có hiến pháp riêng và có quyền chọn ngôn ngữ chính thức, do dân cư ở đây thường không phải dân tộc Nga. Cụm từ này gần như tương tự với bang (state) và vùng tự trị (autonomous region), chỉ một lãnh thổ có dân cư và luật pháp riêng, nhưng vẫn ở dưới quyền của chính quyền mẫu quốc. Một số quốc gia được chia làm các bang có thể kể đến Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ hay Malaysia. Các vùng tự trị nổi tiếng có thể kể đến như Tây Tạng và Nội Mông của Trung Quốc.

Bốn quốc gia cấu thành của Vương quốc Anh. Ảnh: Familypedia
Trong khi đó, lãnh thổ phụ thuộc (dependent territory) là một khu vực được quản lý bởi một quốc gia có chủ quyền, nhưng không được coi là một phần của mẫu quốc. Những lãnh thổ phụ thuộc không có đầy đủ nền độc lập chính trị và chủ quyền như một quốc gia. Ví dụ như Greenland (Đan Mạch) hay Puerto Rico (Hoa Kỳ).
Nation lại chỉ những nhóm người có nhiều đặc điểm đồng nhất như ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, lịch sử riêng cùng chung sống và họ có chính quyền riêng quản trị vùng lãnh thổ đó, tuy mẫu quốc sẽ can thiệp vào tất cả các khía cạnh, như Navajo Nation ở Hoa Kỳ (cư dân chủ yếu là người Mỹ bản địa), Quebec ở Canada (cư dân nói tiếng Pháp), Flanders và Wallonia ở Bỉ (người ở Flanders nói tiếng Hà Lan, còn Wallonia nói tiếng Pháp). Có những nations không quản trị bất cứ vùng lãnh thổ nào, như người Rohingya ở Myanmar hay người Kurd ở Trung Đông. Các quốc gia có chủ quyền có đặc điểm nhân khẩu đồng nhất và không giao thoa như Nhật Bản, Việt Nam hay Iceland còn được gọi là quốc gia dân tộc (nation-state).
- “State/Nation-State: Introduction/Definition.”, Princeton University
- “State, Nation and Nation-State: Clarifying Misused Terminology.”, Penn State College of Earth and Mineral Sciences.
- “State, Country, and Nation.”, Infoplease