Guinea Xích đạo: GDP cao… trên giấy

Đố bạn đất nước nào có thu nhập bình quân đầu người (GDP, tính theo sức mua tương đương – PPP) cao nhất châu Phi lục địa, đỉnh điểm là tới $37,400 vào năm 2013? Nếu bạn đưa ra những cái tên như Ai Cập hay Nam Phi thì đã nhầm to, danh hiệu này thuộc về Guinea Xích đạo – một quốc gia nhỏ bé nằm dọc bờ biển Tây Phi với dân số chỉ khoảng 1 triệu người. Tuy GDP cao là vậy, nhưng 70% dân số Guinea Xích đạo vẫn sống dưới mức nghèo khổ, và chỉ số phát triển con người (HDI) của nước này chỉ xếp hạng 145/189 trên thế giới. Vậy điều gì đã dẫn tới sự tương phản khắc nghiệt đến thế?

Những năm 1990, nước này phát hiện ra những mỏ dầu lớn, và từ đó nguồn tiền từ loại nhiên liệu này trở thành nguồn thu chính cho kinh tế đất nước. Năm 2014, khai thác dầu khí chiếm 90% cơ cấu kinh tế cả nước, và tuy lợi nhuận thu được nhiều, nó không được phân bố hợp lý cho các thành phần kinh tế. Trong khi đầu tư cho những loại hình giải trí như khách sạn, khu du lịch, những nhu cầu cơ bản như trường học hay y tế, thậm chí là nước sạch bị bỏ lơ. Phần trăm GDP dành cho giáo dục chỉ chiếm 2.3%, và chỉ khoảng 20% học sinh tốt nghiệp cấp hai tại nước này.

Nguồn tiền từ dầu mỏ bị phân bố không hợp lý là lý do chính khiến hơn một nửa dân số Guinea Xích đạo sống dưới mức nghèo khổ. Ảnh: Những chiếc siêu xe của phó Tổng thống bị tịch thu

Trong khi đó, những nhà người có địa vị cao trong chính quyền hoặc xã hội lại nắm giữ quá nhiều tiền và sử dụng bí mật cho mục đích riêng. Năm 2017, phó tổng thống Guinea Xích đạo đã bị bắt tại Pháp do hành vi biển thủ gần 200 triệu USD bất động sản, hơn 20 triệu USD các tài sản nghệ thuật cùng nhiều xa xỉ phẩm. Chính quyền độc tài kiểm soát hoàn toàn truyền thông và các tin tức quốc tế đều bị kiểm duyệt. Sự phân hóa giàu nghèo quá cao này đã dẫn tới những hệ lụy kể trên.

Những năm gần đây, giá dầu trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng kéo theo việc GDP nước này cũng tụt thảm hại. Chỉ trong 7 năm mà GDP (PPP) đầu người của Guinea Xích đạo giảm tới hơn ⅓, chỉ còn $21,000 ở thời điểm hiện tại và được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Chính phủ đã bắt đầu tận dụng thế mạnh là những cảng biển sâu để phát triển ngành ngư nghiệp và hy vọng sẽ cứu rỗi được nền kinh tế dầu khí đang trên bờ vực sụp đổ.

Đã có một vài tia sáng cho kinh tế, nhưng liệu có bền vững?

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Bài viết liên quan

Scroll to Top