Về chế độ mẫu hệ đặc biệt của người Ê Đê

“Duyên em đáng giá ngàn vàng 
Anh về bán cả họ hàng cưới em”

Ở miền xuôi như chúng ta hoặc với đa số các dân tộc khác trên đất Việt, như một lẽ thường tình, chuyện cưới hỏi là do nhà trai chủ động. Kể cả trong câu chuyện cổ tích Sơn Tinh – Thủy Tinh, hai vị thần cũng phải tranh đấu nhau để làm hài lòng vua mà mang Mị Nương về. Tuy nhiên, với dân tộc Ê Đê, chế độ mẫu hệ của họ là điểm nhấn khác biệt thú vị, khi người con gái sẽ tự đi hỏi cưới người con trai mình yêu và làm thủ tục “rước rể”, con cái sinh ra sẽ mang họ mẹ và của cải được quản lý bởi người phụ nữ trong nhà.

Từ xa xưa, người Ê Đê quan niệm rằng cơ thể người phụ nữ là một báu vật vì chỉ họ mới có thể mang thai và sinh con, do đó các vai trò quan trọng trong việc quản lý gia đình và sinh hoạt hằng ngày được giao cho người phụ nữ. Người phụ nữ Êđê không chỉ làm chủ gia đình, mà còn là chủ làng (tiếng Ê Đê: pô lăn). Đất đai của dòng họ, của buôn làng là do pô lăn quản lý, ngoài ra pô lăn còn đứng ra giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ buôn làng hoặc đôi khi, với các buôn làng hoặc dân tộc khác, đảm nhiệm tổ chức cúng bái. Con rể mà làm việc sai trái sẽ bị chê cười, và bố mẹ sẽ bị phạt vạ, như đã có gia đình mà vẫn ngoại tình với người phụ nữ khác. Ngoài thể hiện qua tục cưới hỏi, chế độ mẫu hệ của người Ê Đê còn thể hiện qua nhà dài – nét đặc trưng của người Ê Đê. Từ việc cầu thang của phụ nữ được làm to hơn cho đến các chạm khắc trong nhà đều thể hiện nét văn hóa phồn thực, như hình ảnh bầu ngực của người phụ nữ.

Trai miền xuôi thì đi hỏi vợ, còn gái Ê Đê là đi hỏi chồng đàng hoàng đó nghen!

Tuy nhiên, nói rằng chế độ mẫu hệ của người Ê Đê là giao hết quyền lực cho người phụ nữ để người đàn ông bị “lép vế” là không đúng. Người đàn ông Ê Đê vẫn có vai trò nhất định, họ là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình, là người xử lý khi có sự kiện gì xảy ra trong dòng họ mẹ mình như ma chay, cưới hỏi. Quyết định trong gia đình vẫn phải được sự thông qua của cả vợ lẫn chồng. Nếu chẳng may vợ qua đời trong hôn nhân, họ được nhà vợ cưới cho một người con gái khác trong gia đình, gọi là tục nối dây. Cái hay là điều này được thực hiện trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện chứ không ép buộc, thể hiện sự coi trọng con người và đặt tình yêu làm quy chuẩn sống hàng đầu của người Ê Đê. Có thể nói vì sự chan hòa như vậy cùng với việc người phụ nữ làm chủ gia đình, bạo hành gia đình ở đây là điều hầu như không bao giờ xảy ra. 

Trong thời đại hội nhập, chế độ mẫu hệ cũng có ít nhiều biến đổi sâu sắc do việc giao lưu văn hóa và giao thương giữa các dân tộc ngày càng phát triển hơn. Các cấp bậc, vị trí hành chính trong xã hội trong dân bầu có thể là người nam hoặc người nữ, miễn là có năng lực, nhưng về khía cạnh truyền thống, người phụ nữ vẫn là thủ lĩnh trong cuộc sống tự quản và tập tục của dòng họ. Tất cả tạo nên bản sắc riêng biệt đặc trưng của người Ê Đê, một xã hội mẫu hệ điển hình của Việt Nam ta.

Ngay cả chiếc cầu thang đi lên nhà cũng làm theo phong cách phồn thực

Nguồn: báo điện tử VOV, VnExpress, Người Hà Nội, Tiền Phong, blog MyDaklak

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Bài viết liên quan

Scroll to Top