Nếu nhìn vào bản đồ Afghanistan, bạn dễ dàng nhìn thấy sự khắc nghiệt về địa lý tự nhiên của đất nước này. 75% đất nước là đồi núi với nhiều thung lũng cắt ngang, trong đó hơn 50% là đồi núi cao hơn 2000m của dãy Hindu Kush hùng vĩ, khí hậu lục địa khô nóng vào mùa hè và có thể xuống tới -15 độ C vào mùa đông, đất đai bạc màu và không hợp cho trồng trọt. Nghe là thấy “ngán”, tuy nhiên trong lịch sử, Afghanistan hiếm khi có khoảng thời gian nào yên bình khi liên tục bị chiến tranh tàn phá từ những thế lực bên ngoài. Tất cả gói gọn trong hai chữ: VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC.
Không phải khi không mà người ta gọi Afghanistan là “trái tim của châu Á”. Đất nước này có biên giới với 6 nước, trong đó có các cường quốc chính trị và văn hóa lớn như Trung Quốc và Iran, và nó chỉ cách Ấn Độ vài chục kilomet. Trong lịch sử, Kabul nằm gần con đường Tơ Lụa và là một thành thị phồn vinh trên đường đến đèo Khyber – con đường duy nhất để vào Ấn Độ, từ đó trở nên giàu có từ thuế của những nhà buôn từ Đông sang Tây và ngược lại. Người Ấn luôn dõi theo khu vực này và luôn cố gắng kiểm soát sự ổn định nơi đây.
Khi người Anh tiếp quản Ấn Độ – Pakistan vào thế kỷ 18, họ nhận thức được tất cả những thách thức này và muốn mở rộng ảnh hưởng đến Afghanistan. Lý do là lúc này, người Nga bắt đầu mở rộng ra hầu hết các nước Đông u và Trung Á và đang tìm cách xuôi về phía nam để tiếp cận vùng biển ấm. Anh đã phải làm mọi cách để ngăn Nga tiến vào tiểu lục địa, do đó, Afghanistan nghiễm nhiên trở thành một món đồ cho hai siêu cường giành giật. Thế là thuật ngữ Ván Cờ Lớn (The Great Game) ra đời, ám chỉ sự tranh giành về quyền lực giữa Afghanistan nói riêng và vùng Trung Á nói chung giữa Đế quốc Anh và Nga. Xung đột tiếp tục tăng cao khi người Nga cuối cùng cũng vào được Afghanistan năm 1978, nội chiến và sau đó là Taliban, rồi người Mỹ tới và hiện tại lại rơi vào tay Taliban. Nói tóm lại, các cường quốc muốn làm cho Afghanistan trở nên yếu đuối hòng có được sức ảnh hưởng ở nước này, từ đó lan ra khắp khu vực. Với sự tiếp quản của Taliban, đất nước này lại một lần nữa khó lòng mà phát triển mà thay vào đó là một tiền đồ tăm tối, dù nhà nước Taliban hứa sẽ cải cách.

Đã từng có một Afghanistan bình yên dưới thời vua Zahir – vị vua cuối cùng của nước này, khi phụ nữ được phép mặc đồ theo sở thích và quyền con người được tôn trọng
Mặt khác, quan hệ giữa Afghanistan và nước láng giềng Pakistan lại thù địch, một lần nữa lại do người Anh mà ra: sự hiện diện của đường Durand – biên giới được công nhận giữa hai nước. Đường này được vẽ ra nhằm phân chia ranh giới ảnh hưởng giữa Anh và Nga trong khu vực, tuy nhiên nó lại cắt ngang qua lãnh thổ sinh sống của người Pashtun – dân tộc chiếm đa số quyền hành ở Afghanistan. Ngày nay, đường này vẫn phần lớn không được công nhận ở Afghanistan, và được coi là một trong những đường biên giới nguy hiểm nhất trên thế giới. Năm 2017, tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã từng nhấn mạnh “sẽ không bao giờ công nhận” biên giới hiện hành.